Theo Báo cáo Chi tiêu CNTT toàn cầu của Gartner mới nhất (công bố ngày 17/01/2024), năm 2024, lần đầu tiên, dịch vụ CNTT sẽ vươn lên giữ vị trí lĩnh vực chi tiêu lớn nhất của ngành CNTT với giá trị dự kiến 1.501 tỷ USD, chiếm 30% tổng giá trị thị trường CNTT toàn cầu, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Sự gia tăng này đến từ nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án tối ưu hóa vận hành và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đây là những khoản đầu tư đặc biệt quan trọng trong thời kỳ kinh tế được dự báo còn nhiều bất ổn.
Giá trị thị trường AI tạo sinh (Generative AI – GenAI) sẽ tăng từ 67 tỷ USD vào năm 2023 lên 1.304 tỷ USD vào năm 2032, tăng gấp 19,5 lần trong vòng 09 năm. Đây là thông tin được Bloomberg Intelligence đưa ra trong báo cáo mới đây. Cũng theo Bloomberg Intelligence, thị trường GenAI sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 42% trong giai đoạn 10 năm tới.
Năm 2023 đánh dấu mốc khởi đầu của một chương mới của AI. AI đã hòa nhập sâu rộng vào các dịch vụ hằng ngày của cuộc sống con người, từ tìm kiếm thông tin, lời khuyên, đến tạo nội dung (văn bản, hình ảnh, video), hỗ trợ ra quyết định... Theo The Forrester, năng suất lao động và khả năng giải quyết vấn đề của các tổ chức sẽ tăng 50% nhờ các sáng kiến phát triển phần mềm AI.
Chi tiêu cho các dịch vụ Cloud trên quy mô toàn cầu trong năm 2024 được Gartner dự báo tăng trưởng 20,4%, cao gần gấp 03 lần tổng mức tăng của cả thị trường CNTT, đạt 678,8 tỷ USD. Năm 2023, con số này là 563,6 tỷ USD, tăng 17,8% so với năm 2022. Trong đó, dịch vụ cơ sở hạ tầng Cloud (IaaS) được dự báo sẽ có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 26,6%; tiếp theo là dịch vụ nền tảng Cloud (PaaS) tăng 21,5%.
Đến năm 2027, Gartner dự báo sẽ có hơn 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng đám mây công nghiệp để đẩy nhanh các sáng kiến kinh doanh, tăng từ mức dưới 15% vào năm 2023.
Tại Việt Nam, thị trường điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất tại ASEAN, với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cả trong nước và nước ngoài.
Theo IDC, chuyển đổi số (DX) vẫn là ưu tiên toàn cầu khi các tổ chức tìm cách ứng dụng công nghệ để tối ưu quy trình hoạt động, phát triển sản phẩm, dịch vụ và gia tăng trải nghiệm khách hàng, hướng đến mô hình doanh nghiệp số. Theo đó, chi tiêu chuyển đổi số trên toàn thế giới IDC dự báo sẽ đạt gần 3.900 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 16,1%. Các ngành trọng điểm có nhu cầu chuyển đổi số cao bao gồm: Sản xuất, Dịch vụ Chứng khoán và Đầu tư, Ngân hàng và Bảo hiểm. Trong đó, ngành Dịch vụ Chứng khoán và Đầu tư sẽ trải qua tăng trưởng nhanh nhất về chi tiêu DX với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trong 5 năm là 21,1%, tiếp theo là Ngân hàng và Bảo hiểm với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm lần lượt là 20,0% và 19,2%.
Trong năm 2023, Mỹ là thị trường chi tiêu nhiều nhất cho DX, với tỷ lệ 35,8%, tiếp theo là khu vực châu Á Thái Bình Dương (bao gồm cả Nhật Bản và Trung Quốc) với tỷ lệ 33,5%. Khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) đóng góp 26,8%.
Chi phí toàn cầu cho Internet of Things (IoT) ước tính đạt 805,7 tỷ USD vào năm 2023, tăng 10,6% so với năm 2022, theo IDC. Dự kiến các khoản đầu tư vào hệ sinh thái IoT sẽ vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 10,4% trong giai đoạn dự báo từ 2023 - 2027. Dịch vụ Chuyên nghiệp, Công Nghiệp Dịch vụ Công cộng, và Bán lẻ là những ngành công nghiệp lớn tiếp theo, chiếm khoảng 25% chi tiêu IoT toàn thế giới. Chính phủ Địa phương/Nhà nước và Viễn thông sẽ có tốc độ tăng chi tiêu nhanh nhất trong năm dự báo với tỷ suất tăng trưởng hàng năm lần lượt là 12,0% và 11,7%.
Trong thời gian tới, IoT được dự báo sẽ tăng trưởng rất mạnh và mạng 5G sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất cho sự gia tăng này. Với những lợi ích này, 5G IoT sẽ ngày càng được ứng dụng sâu vào nhiều lĩnh vực như công nghiệp ô tô, năng lượng thông minh, y tế, bán lẻ và logistics.
Thị trường dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích dữ liệu kinh doanh (Data Analytics) được định giá 225,3 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 665,7 tỷ USD vào năm 2033. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 11,62% từ năm 2024 đến năm 2033. Sự tăng trưởng này đến từ việc gia tăng áp dụng phần mềm phân tích Big Data bởi nhiều doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng phần mềm phân tích Big Data dựa trên Cloud của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tăng lên, và nhiều lợi ích khác mà Big Data và Data Analytics mang lại. Tại Việt Nam, Big Data và Data Analytics chiếm tỷ trọng thứ 2 trong đầu tư công nghệ thông tin hàng năm. Đây sẽ là công nghệ phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần khi Việt Nam ứng dụng rất nhiều trong các lĩnh vực như chính phủ số, bán lẻ và thương mại điện tử, sản xuất và nông nghiệp.
Các phương tiện hiện đại ngày nay có thể có gần 100 đơn vị điều khiển điện tử, yêu cầu tới 100 triệu dòng mã (code). Phần mềm cùng với cảm biến và các thành phần tương tự, được dự báo sẽ chiếm khoảng 50% chi phí phương tiện vào năm 2030, tăng hơn gấp đôi so với mức 20% của năm 2020. Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu được dự đoán sẽ chi hơn 238 tỷ USD/năm vào năm 2030 khi chuyển dịch từ các dòng xe với hệ truyền động đốt sang xe điện. Báo cáo gần đây của Precedence Research cho thấy quy mô thị trường phần mềm ô tô toàn cầu dự kiến sẽ đạt 116,6 tỷ USD vào năm 2032 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 16,7% trong giai đoạn từ 2023 - 2032. Quy mô thị trường phần mềm ô tô Châu Á Thái Bình Dương ước tính đạt 12,7 tỷ USD vào năm 2023 và dự đoán sẽ đạt khoảng 44,9 tỷ USD vào năm 2032, sẵn sàng phát triển với tỷ suất tăng trưởng hàng năm là 15,1% từ năm 2024 - 2032. Nhu cầu ngày càng tăng về các phần mềm, những tiến bộ công nghệ nhanh chóng và sự hiểu biết của người dân là yếu tố chính cho nhu cầu ngày càng tăng về phần mềm ô tô. Khu vực Bắc Mỹ cũng được dự đoán là thị trường tiềm năng cho sự phát triển của ngành phần mềm ô tô trong giai đoạn 2024 - 2032.
Theo báo cáo của Gartner, thị trường bán dẫn toàn cầu dự báo đạt quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỷ USD. Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD. Bên cạnh các dự án nước ngoài, một số đơn vị, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chíp như FPT Semiconductor, CMC, Viettel... Đây sẽ là con đường để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành chíp bán dẫn toàn cầu.