Với cột mốc 1 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài, Công ty đang chuyển mình vượt khỏi nhóm các công ty dịch vụ CNTT vừa và nhỏ trên toàn cầu bắt đầu một cuộc đua mới – đạt doanh thu 5 tỷ USD vào năm 2030. Từ năm 2024, Công ty tiếp tục đầu tư theo chiều sâu, phát triển các công nghệ giá trị cao và đầu tư vào lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng nhanh như phần mềm ô tô, chăm sóc sức khỏe, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng… quyết tâm nâng tầm, vượt đẳng để trở thành công ty world class.
Năm 2023 mang ý nghĩa lịch sử với FPT khi doanh thu từ Dịch vụ Công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài chính thức vượt mốc 01 tỷ USD, đạt 24.288 tỷ đồng, tăng 28,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 3.782 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng cao tại cả 04 thị trường, trong đó, thị trường Nhật Bản chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất, đạt mức 52,2% theo Yên Nhật. Tại thị trường trọng điểm này, FPT đứng trước vận hội lớn khi Nhật Bản đang chạy đua với chuyển đổi số, ra sức ghép nối chuỗi cung ứng phát triển và vận hành hệ thống CNTT nhằm bắt kịp với các nước phương Tây, đặc biệt sau khi mở cửa hậu đại dịch Covid-19. Ngoài ra, FPT nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang ngày càng chiếm được ưu thế tại thị trường Nhật Bản do xu hướng dịch chuyển từ các công ty cung ứng dịch vụ CNTT đến từ quốc gia khác sang Việt Nam. Đứng trước cơ hội trên, cùng với năng lực và nguồn lực công nghệ của FPT, doanh thu từ thị trường Nhật Bản được kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng cao trên 30%/năm, hướng tới mục tiêu 01 tỷ USD vào năm 2027, tiếp tục giữ vai trò là thị trường trọng điểm của Tập đoàn. Tiếp đến là thị trường Châu Á – Thái Bình Dương với mức tăng 37,7% doanh thu, thúc đẩy bởi nhu cầu chuyển đổi số tăng cao đến từ các công ty đa quốc gia đặt trụ sở tại khu vực này. Thị trường Mỹ và châu Âu dù chịu tác động tiêu cực của các cuộc xung đột địa chính trị và bối cảnh kinh tế bất ổn, vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu lần lượt 8,6% và 21,9% so với năm 2022 nhờ những nỗ lực của FPT trong việc bám sát nhóm khách hàng hiện hữu, hỗ trợ tối ưu năng lực vận hành trong bối cảnh kinh tế khó khăn và khai thác các hợp đồng mới, sẵn sàng đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới.
Từ mô hình triển khai dự án theo hình thức nhận giao việc, FPT đã “lột xác”, đóng vai trò tư vấn triển khai các dự án chuyển đổi số dựa trên công nghệ mới nhất với quy mô hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD, chính thức bước vào sân chơi đẳng cấp thế giới (world class) của các doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD toàn cầu. FPT đặt mục tiêu bước lên đẳng cấp cao hơn trong nhóm doanh nghiệp này với cột mốc tiếp theo, 05 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài vào năm 2030.
Những năm gần đây, dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ, với gần 50% tổng doanh thu từ nước ngoài đến từ dịch vụ chuyển đổi số và tăng gấp gần 06 lần trong vòng 05 năm qua. Trong năm 2023, doanh thu Dịch vụ Chuyển đổi số tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kép cao trên 40%/năm, đạt 10.425 tỷ đồng trong năm 2023. Trong đó, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud - chiếm 40% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số, các công nghệ khác như AI, phân tích dữ liệu chiếm 12%; RPA & Lowcode chiếm 10%... Với nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số trên toàn cầu tiếp tục được duy trì ở mức cao, dự kiến đạt 3.900 tỷ USD vào năm 2027, cùng lợi thế về nguồn nhân lực CNTT trẻ, khả năng nắm bắt nhanh các xu hướng công nghệ mới, FPT tiếp tục kỳ vọng doanh thu từ dịch vụ Chuyển đổi số giữ mức tăng trưởng cao, đóng vai trò là một trong những động lực tăng trưởng chính của Tập đoàn.
Cùng với việc tiến cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ, FPT còn đẩy mạnh việc tuyển dụng các kỹ sư, chuyên gia với kiến thức sâu rộng về công nghệ và dồi dào kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu về dịch vụ CNTT tăng cao, đi cùng yêu cầu ngày càng phức tạp về chất lượng. Sau hơn hai thập kỷ tích luỹ kinh nghiệm trên thị trường toàn cầu, Tập đoàn đã xây dựng được năng lực chuyên sâu để khai thác tối đa cơ hội trong các lĩnh vực chuyên ngành có tiềm năng phát triển rộng mở trong tương lai như phần mềm ô tô, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng, chăm sóc sức khỏe….
Trong 01 tỷ USD doanh thu Dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài, có 21% đến từ lĩnh vực Công nghiệp phần mềm ô tô và sản xuất, 11% đến từ lĩnh vực Tài chính ngân hàng và Bảo hiểm, 11% đến từ lĩnh vực Năng lượng… Trong đó, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần mềm ô tô và sản xuất duy trì mức tăng trưởng trên 30%, cho thấy uy tín ngày càng gia tăng của FPT đối với khách hàng trong lĩnh vực này. Đặc biệt, trong lĩnh vực phần mềm ô tô – lĩnh vực được xác định là mũi nhọn chiến lược của FPT trong thời gian tới, FPT được xếp hạng Major Contender (Đối thủ chính) trên toàn cầu, sánh vai với các ông lớn như Infosys, NTT Data, Cognizant... (theo báo cáo của Everest Group). Cuối năm 2023, FPT đã thành lập công ty FPT Automotive tại Texas, Mỹ nhằm chinh phục thị trường công nghiệp phần mềm ô tô có quy mô dự kiến đạt 116,6 tỷ USD năm 2032. Hiện trong mảng công nghệ này, FPT có đội ngũ gần 4.000 nhân sự và 150 khách hàng là các hãng xe, các nhà sản xuất phụ tùng lớn trên toàn cầu.
Khẳng định vị thế toàn cầu, FPT tiếp tục tăng cường hiện diện tại các quốc gia lớn trên thế giới bằng việc mở các văn phòng mới tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Mỹ, Mexico... Ngoài ra, FPT còn đầu tư vào các đối tác cung cấp dịch vụ tại các nước lân cận khu vực Mỹ, Mỹ - Latinh, châu Âu... để mở rộng tập khách hàng mới tại khu vực này, từ đó nhanh chóng nắm bắt cơ hội đang rộng mở toàn cầu. 04 thương vụ M&A và đầu tư trong năm 2023 vào các công ty công nghệ có tên tuổi tại Mỹ, Pháp như Intertec International, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI đã góp phần bổ sung nguồn lực sản xuất, đảm bảo việc cung ứng dịch vụ được diễn ra liên tục, đồng thời nâng cao năng lực công nghệ trong các mảng mới như SAP, Dữ liệu, Cloud, IoT, AI, phần mềm nhúng, các giải pháp thông minh…. Các thương vụ M&A chiến lược sẽ tiếp tục được FPT tập trung trong các năm tới để bổ sung năng lực tư vấn trên toàn cầu, chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành ưu tiên, năng lực công nghệ có giá trị cao, giúp Tập đoàn đảm đương được các dự án lớn quy mô trăm triệu đô, cung cấp dịch vụ giải pháp trọn gói và vươn tầm đẳng cấp toàn cầu.
Những nỗ lực dịch chuyển mạnh mẽ sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị, mở rộng quy mô kinh doanh đã cho thấy sự hiệu quả, thể hiện qua việc năng suất lao động của các kỹ sư công nghệ thông tin (thể hiện qua chỉ số doanh thu trung bình/người) được cải thiện rõ rệt trong thời gian qua, đạt mức 925,7 triệu/người/năm trong năm 2023, thu hẹp khoảng cách với các tên tuổi lớn khác trong ngành.
Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển của Tập đoàn. Tính đến cuối năm 2023, số lượng nhân sự bình quân phục vụ cho thị trường CNTT nước ngoài đạt con số 25.213 người. Riêng tại Nhật Bản – thị trường nhân sự vốn cạnh tranh rất khốc liệt, FPT vẫn cho thấy sức thu hút nhân tài, hiện có 2.900 CBNV làm việc trực tiếp tại 16 văn phòng, trung tâm phát triển ở thị trường này. Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên toàn cầu, hướng tới xây dựng môi trường làm việc đa văn hóa, đa sắc tộc, nơi mỗi con người được tôn trọng, khích lệ phát triển năng lực cá nhân, khẳng định bản thân, FPT hiện có 2.925 nhân sự là các chuyên gia nước ngoài thuộc 73 quốc tịch khác nhau. Trong năm, FPT liên tục được ghi nhận tại các giải thưởng quan trọng về môi trường làm việc trên toàn cầu như: Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Nhật Bản và Nơi làm việc tốt nhất dành cho phụ nữ tại Nhật Bản; Top 100 nơi làm việc tốt nhất tại bang Texas, Mỹ; Top những công ty có môi trường làm việc tốt nhất tại Singapore và Việt Nam. Nhờ các chính sách đãi ngộ tốt, văn hóa doanh nghiệp kết nối, tỷ lệ nghỉ việc tại FPT giảm đáng kể xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua - 10,3%, giảm 680 bps (điểm cơ bản) so với năm 2022, góp phần giảm áp lực về mặt tuyển dụng, tối ưu chi phí nhân sự, từ đó tạo cơ hội gia tăng biên lợi nhuận cho Dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài.
Nhân sự bình quân của lĩnh vực Dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài
Tiêu chí | 2022 | 2023 | Tăng giảm |
---|---|---|---|
Tổng nhân sự bình quân (Người) | 22.089 | 25.213 | 14,1% |
Tổng nhân sự bình quân sản xuất (Người) | 20.527 | 23.434 | 14,2% |
Doanh thu/người (triệu VNĐ) | 854 | 925,7 950 (loại trừ ảnh hưởng tỷ giá) | 8,4% 11,2% (loại trừ ảnh hưởng tỷ giá) |
Năng lực trong những mảng công nghệ mới cũng là “vũ khí” giúp FPT cạnh tranh với các công ty cùng ngành đến từ Ấn Độ, Trung Quốc để có được những hợp đồng, khách hàng quy mô doanh số trăm triệu USD, cũng như đóng vai trò thầu chính trong các dự án lớn. Khả năng học hỏi, đáp ứng các yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật cao cùng năng lực tập hợp được nhóm nhân sự tài năng và gắn bó lâu dài chính là hai yếu tố then chốt trong việc chinh phục các khách hàng lớn. Năm 2023, giá trị trung bình mỗi hợp đồng từ khách hàng tăng gần 10 lần sau 05 năm, cùng với đó cũng đánh dấu mốc lần đầu tiên hồ sơ khách hàng của FPT có khách hàng đạt quy mô doanh số lũy kế trên 200 triệu USD. Trong 01 tỷ USD doanh thu từ Dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài, có đến 80% đến từ nhóm khách hàng “triệu đô”, cho thấy xu hướng chuyển dịch cơ cấu sang nhóm khách hàng lớn trong nhóm Fortune Global 500 của FPT, lần nữa khẳng định sự hiệu quả của chiến lược “săn cá voi”.
Số lượng khách hàng của FPT theo doanh số
Tiêu chí | 2022 | 2023 |
---|---|---|
Số khách hàng có doanh số lớn hơn 20 triệu USD | 2 | 2 |
Số khách hàng có doanh số lớn hơn 10 triệu USD | 11 | 14 |
Số khách hàng có doanh số lớn hơn 05 triệu USD | 23 | 37 |
Số khách hàng có doanh số lớn hơn 01 triệu USD | 162 | 205 |
Đơn vị: Khách hàng